Phú Yên: Xây dựng và phát triển chuỗi tôm hùm bền vững (08-09-2023)

Đây là một trong những định hướng phát triển nuôi tôm hùm của tỉnh Phú Yên thời gian tới. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết.
Phú Yên: Xây dựng và phát triển chuỗi tôm hùm bền vững
Ảnh minh họa

Thuận lợi đan xen khó khăn

Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189 km, có trên 21.000 ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông... thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên các vùng biển ven bờ, đặc biệt có vùng biển hở gần bờ và xa bờ rất thuận lợi để phát triển nuôi tôm hùm và nuôi biển công nghiệp. Nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên đã phát triển hơn 30 năm. Ngư dân Phú Yên có rất nhiều kinh nghiệm nuôi tôm hùm, cá biển được tích lũy qua nhiều thế hệ.

Tổng số lồng, bè nuôi tôm hùm của Phú Yên 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 87.590 lồng. Trong đó huyện Tuy An 10.645 lồng, chủ yếu là lồng ương; thị xã Đông Hòa 16.852 lồng tôm hùm thịt; thị xã Sông Cầu 60.093 lồng (tôm hùm ương là 13.484 lồng, tôm hùm thịt là 46.609 lồng). Sản lượng ước đạt 1.000 tấn. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 6.000 lao động.

Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên vẫn còn một số bất cập như: Công nghệ nuôi đơn giản; kỹ thuật nuôi dựa vào kinh nghiệm. Kết cấu lồng, bè nuôi theo kiểu truyền thống, đơn giản, vật liệu chủ yếu là gỗ, tre, phao, phuy nhựa; chỉ có thể nuôi trong các vịnh kín, ít sóng gió hoặc mùa êm sóng trong năm. Hiện nay một số hộ nuôi đã đầu tư 11 lồng nhựa HDPE để nuôi trồng thủy sản tại phường Xuân Phương và Xuân Đài, Xuân Thành. Tuy nhiên, cũng chưa có doanh nghiệp hoặc hộ nuôi nào thử nghiệm nuôi ở vùng biển hở qua đông.

Bên cạnh đó, về giống tôm hùm cũng gặp nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác có năm đạt khoảng 1,5 triệu con tôm hùm giống/năm, nhưng những năm gần đây đang giảm dần. Chưa làm chủ được nguồn giống, giống tôm hùm chủ yếu từ khai thác tự nhiên và nhập khẩu nước ngoài nên chất lượng không ổn định.

Chưa có các nhà máy sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản và chế phẩm sinh học nuôi trồng thủy sản; chưa có cơ sở cung cấp vật tư, thiết bị chuyên dùng trong nuôi biển. Thức ăn chủ yếu là cá tạp và các loại giáp xác, nhuyễn thể, sản phẩm phụ (đầu tôm) từ các nhà máy chế biến thủy sản do các chủ nậu cung cấp, được thu gom trên cả nước.

Đồng thời, dịch bệnh trên tôm hùm xảy ra rải rác trong quá trình nuôi. Tỷ lệ tôm hao hụt, chết do bệnh trong cả quá trình nuôi ước tính khoảng 30 - 35% tổng đàn. Nguyên nhân do phương thức nuôi hở, rất khó kiểm soát được mầm bệnh trong môi trường; môi trường nuôi bị ô nhiễm bởi hoạt động nuôi, chất hữu cơ, chất thải tích tụ gây ô nhiễm, mầm bệnh có điều kiện phát triển; sử dụng thức ăn tươi (cá tạp, cua, ốc...) dễ mang mầm bệnh lây nhiễm cho tôm hùm nuôi và gây ô nhiễm nước.

 

Ngoài ra còn nhiều tồn tại khác như: Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt, việc giao khu vực biển còn nhiều vướng mắc chưa triển khai được. Nhu cầu phát triển nuôi tôm hùm trong dân trong các đầm vịnh thì lớn và ngày càng tăng nhưng diện tích vùng nuôi thì nhỏ, ngày càng giảm. Thiếu chính sách Trung ương hỗ trợ hộ dân phát triển nuôi ven bờ, xa bờ; chính sách chuyển đổi vùng nuôi từ đầm vịnh kín ra các vùng biển hở trong khi ngân sách tỉnh còn hạn chế.

Thị trường tiêu thụ phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, phụ thuộc thương lái ngoài tỉnh; liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chưa có, chưa đảm bảo lợi ích các bên; chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn lồng bè, cơ sở nuôi biển phù hợp để phát triển nuôi ở các vùng biển hở.

Định hướng và đề xuất

Định hướng phát triển nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong thời gian tới là: sắp xếp lại các vùng nuôi hiện có phù hợp với quy hoạch tỉnh; giao mặt biển cho nuôi trồng thủy sản lồng bè theo quy định của Luật Thủy sản 2017, Nghị định 11/2021/NĐ- CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Vận động chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản bằng lồng truyền thống sang ứng dụng công nghệ lồng HDPE thích ứng biến đổi khí hậu. Phát triển mô hình liên kết trong sản xuất tiêu thụ tôm hùm, qua đó sẽ xây dựng và phát triển chuỗi tôm hùm bền vững tại Phú Yên. Xây dựng và phát triển thương hiệu tôm hùm Phú Yên. Thực hiện các thủ tục hành chính quản lý nuôi tôm hùm lồng bè theo quy định (đăng ký chứng nhận cơ sở nuôi, cấp phép nuôi biển, ký cam kết bảo vệ môi trường…).

Theo đó, Sở NN&PTNT Phú Yên kiến nghị Bộ NN&PTNT :  

Thứ nhất, tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, ưu đãi cho doanh nghiệp, hộ nuôi đầu tư và nghiên cứu ứng dụng nuôi biển và các dịch vụ hỗ trợ hiện đại, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể vùng biển Việt Nam (thức ăn công nghiệp, lồng, bè chuyên dụng, con giống....);

Thứ hai, phối hợp các bộ, ngành liên quan, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong giao đất, mặt biển để nuôi trồng thủy sản, vướng mắc về quy định cưỡng chế giải tỏa lồng bè, thủy sản nuôi;

Thứ ba, hỗ trợ địa phương về giải pháp thị trường tiêu thụ ổn định, cấp mã số xuất khẩu cho các doanh nghiệp của Phú Yên;

Thứ tư, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn lồng bè, cơ sở nuôi biển phù hợp với điều kiện nuôi biển hở, nuôi công nghiệp, tạo căn cứ, cơ sở cho cơ quan chức năng địa phương thẩm định dự án, cấp phép nuôi biển theo quy định.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác